Thứ Hai, 13 tháng 2, 2012

Văn hào Andersen – “Thiên sứ” ở trần gian

Đã từng có rất nhiều trẻ em ở các thế hệ khác nhau trên trái đất này "lớn lên" bằng giấc mơ cổ tích của Andersen. Các bé trai ao ước lớn lên thành người có lòng dũng cảm như “Chú lính chì”. Còn các bé gái thì mơ lớn lên sẽ xinh đẹp như nàng tiên cá, mơ gặp được người đàn ông của đời mình đẹp như hoàng tử. Chúng còn mơ đến một đám cưới đẹp như trong mộng, trên một con tàu có những cánh buồm đỏ thắm, lộng lẫy dưới bầu trời đêm với hằng hà sa số những vì sao…
Văn hào Andersen
"Truyện cổ Andersen" hiện vẫn là cuốn sách gối đầu giường của rất nhiều em bé. Hằng đêm, chúng chìm vào giấc ngủ say với những giấc mơ thánh thót tiếng họa mi, chứ không phải dao găm, súng lục hay những trò game bạo lực. Rất nhiều người cho rằng, Andersen là "thiên sứ" được gửi xuống trần gian để cứu rỗi loài người khỏi những chết chóc, bệnh tật, khổ đau, bất hạnh… Rằng ông là người kể chuyện cổ tích hay nhất hành tinh. Vì vậy, chúng ta sẽ không ngạc nhiên khi biết rằng, những "truyện cổ tích trẻ con dành cho người lớn" của Andersen đã được dịch ra 91 thứ tiếng, đứng đầu bản danh sách những tác phẩm được dịch ra nhiều thứ tiếng nhất thế giới…
Thực ra, trước khi bắt tay viết những câu chuyện cổ tích cho trẻ con, Andersen đã từng thử sức mình ở nhiều thể loại văn học khác nhau. Thuộc "tuýp" nhà văn sinh ra trong gia đình thuộc giới hạ lưu, tuổi thơ Andersen đã lớn lên bởi sự nâng niu, kỳ vọng của một đôi vợ chồng nghèo khó, thất học. Cha Andersen là thợ giày quèn ở một tỉnh lẻ, còn mẹ từng là người ăn mày, sau khi lấy cha của Andersen làm nghề giặt mướn. Andersen được sinh ra trên chiếc giường cưới của cha mẹ được làm từ những mảnh ván quan tài cũ nát! Thấm thía nỗi khổ cực của người thất học, cha mẹ Andersen đã dành dụm tất cả những đồng xu kiếm được từ làm thuê, làm mướn, cho con đi học, với hy vọng con mình sau này sẽ trở thành "ông nọ" kết hôn cùng "bà kia"… Thế nên Andersen mới có cơ hội được đi học, và những con chữ đầu tiên ấy đã khiến cho những ước mơ của cậu bé bay bổng. Ban đầu là mơ trở thành kịch tác gia, ca sĩ, rồi mơ trở thành nhà thơ, nhà văn…
Người đời thường nói "Vạn sự khởi đầu nan", để chỉ dẫn cho những ai muốn đạt được mơ ước không được nản chí. Gia cảnh Andersen càng túng bấn hơn khi người cha từ mặt trận trở về rồi chết vì bệnh tật. Hai mẹ con Andersen phải làm nghề giặt mướn. Nhưng ngay cả khi đối mặt với những khó khăn tưởng chừng không thể vượt nổi, Andersen vẫn không nguôi ôm ấp những "dự án" cuộc đời. Năm 14 tuổi, bất chấp lời ngăn cản của mẹ, Andersen một mình đến thủ đô Copenhagen tìm gặp vũ sư Kashes, nhờ bà giới thiệu vào đoàn ca múa nhạc. Bị bà Kashen từ chối, Andersen tiếp tục tìm đến nhà soạn nhạc Sibeni. Thương tình, Sibeni đã nhận Andersen vào trường dạy hát do ông phụ trách, hàng tháng còn cho một khoản sinh hoạt phí nho nhỏ. Tuy nhiên, số phận đã không cho Andersen cơ may để trở thành ca sĩ.
Sáu tháng sau khi học hát, Andersen bị hỏng giọng, đành phải chia tay với ông thầy tốt bụng. Anh đã đánh liều mang những kịch bản đầu tay của mình đi đọc ở khắp nơi và cuối cùng gặp được giáo sư Labaker của nhà hát kịch thủ đô. Giáo sư đã ban tặng Andersen những lời khen ngợi và tạo điều kiện để anh được học trong một trường của giáo hội. Tại ngôi trường này, Andersen đã nhận được một nền giáo dục khắt khe, thậm chí cả sự ngược đãi của ông hiệu trưởng. Tâm hồn trẻ thơ Andersen bị tổn thương. Những tổn thương ấy, Andersen không biết nói cùng ai, đành gửi gắm vào những câu chuyện dành cho trẻ em được viết sau đó một thời gian không lâu. Điều này cắt nghĩa vì sao chuyện Andersen được trẻ em đón nhận nồng nhiệt đến như vậy.
Năm 1835, khi đang là sinh viên Trường đại học Copenhagen, tác phẩm đầu tay của Andersen được xuất bản. Đó là tập thơ, trong đó có một bài đã trở nên "nằm lòng" với nhiều độc giả. Đặt mình trong tình cảnh một đứa bé hấp hối, nhưng cố lấy hết sức bình sinh để an ủi bà mẹ tội nghiệp, Andersen viết nên những vần thơ chỉ đọc một lần đã hằn sâu vào trí não: "Mẹ ơi xin đừng khóc? Con chỉ ngủ mà thôi? Đôi má người cháy lửa? Dẫu chìm trong lệ rơi/ Gió ơi đừng tàn khốc/ Ta chỉ mộng mà thôi/ Một đàn thần tiên bé/ Lượn quanh ta sáng ngời/ Có thiên thần cánh sáng/ Bay trong nhạc tuyệt vời/ Hoa theo người buông thảm/ Óng vàng và biếc tươi/ Bao giờ con có cánh/ Mà bay cao trong đời/ Thiên thần hôn con đấy/ Xin đừng khóc mẹ ơi"…
Những tưởng Andersen sẽ trọn đời dâng hiến tâm hồn cho "Nàng Thơ"! Nào ngờ hai năm sau đó, ông lại trình làng tập truyện thiếu nhi đầu tiên với nhan đề "Con gái của biển cả". Andersen gọi thể loại truyện thiếu nhi của mình là "truyện thần tiên", còn một số người khác lại gọi đó là truyện cổ tích, huyền truyện. Trong truyện của Andersen, nhân loại được biến thành những đứa trẻ ngộ nghĩnh, đáng yêu. Những đứa trẻ ấy được ông dắt vào khu vườn cổ tích huyền ảo, nơi có những con vật, đồ vật biết nói, có những đứa trẻ khát khao tình thương đồng loại và tình yêu đôi lứa. Trong thế giới thần tiên mà Andersen tạo dựng, con người sống với lòng dũng cảm của "Chú lính chì", lòng nhân hậu của "Bác sồi già", đức tính trung thực của "Cô bé có đôi giày đỏ", tình yêu chung thủy và thơ mộng của "Người con gái biển cả", niềm lạc quan yêu đời của chú "Họa mi"… Những mong ước của các nhân vật trong truyện của ông đều trong sáng và hệ trọng, nhưng không mấy khi được thực hiện một cách trọn vẹn. Ngay cả khi mong ước đã đạt được rồi vẫn không thoát khỏi cái "bóng" của định mệnh!
Ẩn chứa đằng sau mỗi câu chuyện cổ tích dành cho trẻ con của ông là một câu chuyện ngụ ngôn viết cho người lớn, làm thức tỉnh lòng người, truyền cho họ niềm tin và sức mạnh.
Andersen viết truyện thần tiên, trước hết bởi những kỷ niệm tuổi thơ luôn tươi rói trong ký ức, bởi tình yêu dành cho con trẻ và ước muốn đem đến cho chúng một tâm hồn trong sáng, hồn nhiên và đôn hậu, để chúng lớn lên thành người có ích cho xã hội. Tuy thử sức ở các thể loại hài kịch, thơ, tiểu thuyết… nhưng thể loại "truyện thần tiên" dành cho thiếu nhi lên tới trên 150 tác phẩm và thành công hơn cả. Khi viết "Con gái của biển cả", Andersen đã dùng trí tưởng tượng của một đứa trẻ để xây dựng nên một thế giới dưới thủy cung. Trong cái thế giới xa lạ và huyền bí đó có đức vua và 6 nàng công chúa. Cả sáu nàng đều xinh đẹp, nhưng công chúa út xinh đẹp, thông minh và tinh nghịch hơn cả. Cô đã trốn vua cha ngoi lên mặt nước và bắt gặp một tình yêu "sét đánh". Người cô đem lòng thương nhớ là một hoàng tử trẻ đẹp, người của cõi trần gian. Để có được tình yêu của chàng và có một linh hồn bất tử để yêu chàng mãi mãi, nàng đã cam lòng để cho mụ phù thủy độc ác cắt lưỡi, và sau cùng chấp nhận hóa thành bọt biển… Sự hy sinh cho tình yêu của cô mới cao thượng và cảm động biết bao!
Như là một sự định hướng ban đầu, từ "Con gái của biển cả", tình yêu gần như đã trở thành một chủ đề chính trong thể loại truyện thần tiên của Andersen. Viết truyện cho thiếu nhi, mà lại viết về tình yêu lứa đôi, lại là những mối tình dang dở, không thành… mà không bị công chúng kết tội đầu độc tâm hồn trẻ thơ, không phải ai cũng làm được như Andersen. Tất cả những câu chuyện tình ông kể cho thiếu nhi nghe ấy đều đẹp như thơ, như mộng, không dung tục, luôn luôn hướng thiện! Điều này khiến ông trở nên vĩ đại và gần gũi với mọi tầng lớp công chúng. Theo như lời ông nói: "Những câu chuyện thiếu nhi kỳ lạ nhất đều được sinh ra từ cuộc sống chân thực… Không có một câu chuyện thiếu nhi nào sáng tác ra có thể đẹp hơn cuộc sống cả"… Có nghĩa là, những chuyện tình yêu trong truyện thiếu nhi của ông xuất phát từ chính những gì ông từng trải qua, từng nâng niu cất giữ, nhưng được "trẻ thơ hóa" thành những truyện thần tiên…
Là một người có trái tim đa cảm, ngay từ khi còn bé, còn đang học ở trường tiểu học, Andersen đã có cảm tình với cô bé Shara Henman cùng lớp. Cậu bé Andersen luôn tưởng tượng mình là một kỵ sĩ cao lớn, còn cô bạn là công chúa, đến khi lớn sẽ cưỡi ngựa đến cưới cô làm vợ… Khi giành được thành công đầu tiên trên văn đàn, Andersen đã quen thiếu nữ Leboun là em của một người bạn. Cô gái hết sức xinh đẹp và nhanh nhẹn. Andersen liên tiếp gửi thư cho cô thể hiện tình cảm của mình. Cô gái cho rằng hai người quá chênh lệch về địa vị xã hội, không muốn lấy một nhà thơ nghèo, bèn lấy lý do mình sắp cưới chồng để từ chối. Sau một thời gian dài buồn đau vì mối tình không thành, Andersen đem lòng yêu nữ ca sĩ Thụy Điển Jenny Lind và sau đó là ái nữ của nhà soạn nhạc danh tiếng Joan Coollin. Nhưng không một ai trong số họ đáp lại tấm tình của nhà văn danh tiếng. Nỗi sầu bi của những cuộc tình không thành được nhà văn gửi gắm vào tác phẩm. Vì điều này mà ông trở thành một trong những nhà văn "thất bại trong tình trường nhưng lại có những tác phẩm hay nhất về tình yêu".
Andersen cho biết, ông chính là nguyên mẫu của chàng Kenuder thất tình trong truyện "Giấc mơ dưới gốc liễu". Còn ý tưởng của "Những chú lính chì dũng cảm" xuất phát từ món quà tặng của một em bé mà nhà văn đã gặp trong một chuyến đi xa. Em bé này vì thương cảm nhà văn cô đơn, đã lấy một chú lính chì trong món đồ chơi của mình tặng cho ông. Và để đáp lại tấm lòng thơm thảo của em bé, Andersen đã viết nên "Chú lính chì dũng cảm" có trái tim của chàng hiệp sĩ phóng khoáng, dũng cảm và chân thành…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét